CHIẾC KÍNH YÊU THƯƠNG
- Tin tức - sự kiện: 10 năm Ngôi Sao Hà Nội
“Cái kính cận nhựa đúc, mắt viền trắng, hai gọng màu xanh. Mắt kính khá dầy. Đôi mắt đen to tròn phía sau hai mắt kính ấy sáng lắm.” Đó là cái kính của cô bé có má lúm đồng tiền. Năm nay cô bé ấy đã lên lớp 3. Câu chuyện về cái kính của cô bé ấy lại là chuyện nghề của tôi.
…
Đón cô bé vào lớp 1 trong buổi sáng khai trường của năm học 2018- 2019, tôi đã rất ấn tượng bởi cả bố và mẹ cùng đưa cô bé đến lớp. Tôi chụp cho gia đình cô bé ấy một bức ảnh với suy nghĩ chắc hẳn đây sẽ là một năm học tuyệt vời của cô bé ấy.
Phương Anh- tên của con- như bao bạn nhỏ lớp 1, cô bé cứ tíu tít mỗi ngày, kể chuyện về ba mẹ, về em trai với tôi. Tôi cảm nhận trong cô bé có hàng ngàn câu chuyện muốn kể. Mẹ của cô bé có cả một kho sách cho con đọc. Và những quyển sách mà Phương Anh đọc khi mới vào học lớp 1 là những quyển sách có đến vài trăm trang. Có lẽ vì say sách mà cái mắt kính của cô bé lại dầy lên. Cái kính có lúc gây vướng víu cho Phương Anh. Có hôm cô bé kể với tôi “Con làm gì cũng không tốt lắm, con hậu đậu cô ạ!” Tôi cũng có hỏi chuyện và động viên về việc con quên kính, mất kính, ngã vì cái kính … là chuyện bình thường thôi mà.
Nhưng với tôi, cái kính của cô bé đã khiến cho tôi nhớ tới cô bé Phương Anh và năm học 2018- 2019 của cô bé hơn bao giờ hết.
Vào dịp cuối năm học, lớp tôi chủ nhiệm có tổ chức một buổi dã ngoại tại Thảo viên Resort. Cha mẹ các con hào hứng, sắp xếp và chuẩn bị rất chu đáo cho các con đi chơi. Phương Anh cũng háo hức chờ ba mẹ đi cùng với con và các bạn. Gần sát ngày đi, mẹ của Phương Anh có gọi điện cho tôi. Ông ngoại của cô bé nhập viện và phải điều trị tích cực. Ba mẹ phải thay nhau vào viện chăm ông nên gia đình con không tham gia cùng lớp được. Phương Anh buồn lắm. Cô bé ko nói gì. Chỉ rầu rầu đôi mắt sau đôi mắt kính đó. Cô bé không nhìn thẳng tôi khi tôi hỏi con có được đi không? Và rồi, sau mấy ngày đắn đo suy nghĩ, ba mẹ của Phương Anh quyết định gửi gắm tôi cho con được tham gia cùng lớp mà ko có mặt ba mẹ. Tôi thấy thật vui vì đã có giải pháp cho Phương Anh được tham gia cùng lớp. Tôi và các bác trong ban phụ huynh cùng trao đổi và thống nhất là tôi sẽ thay ba mẹ cô bé để mắt và giám sát đến cô bé nhiều hơn.
Sáng hôm chủ nhật trong lành ấy, cả lớp tập kết để chuẩn bị lên đường. Phương Anh cũng có mặt sớm. Nhưng tôi và các bác phụ huynh thì thật thương cho cô bé vì tối qua, cô bé chơi ở nhà bị ngã và sưng u một cục to trên trán. Cô bé cầm tay tôi bảo: “Con hậu đậu quá!” Tôi xuýt xoa rồi dẫn cô bé theo hàng ra xe để bắt đầu chuyến đi.
Cả buổi sáng hôm đó, mọi trò chơi đều vui vẻ, tích cực. Cả tập thể hào hứng vui chơi bù cho những ngày học tập vất vả. Đến giờ ăn trưa, các con cùng xếp hàng đi ăn. Phương Anh chạy sau cùng một bạn gái. Mải vui, cô bé trượt một bậc tam cấp ngoài hiên. Tôi đứng ngay đó mà không đỡ kịp cô bé. Lại một lần nữa tôi xuýt xoa với cô bé, đưa cô bé đi ăn và nghĩ rằng may quá không có vấn đề gì. Trưa và chiều hôm đó, cả đoàn lại tiếp tục vui chơi. Mọi việc diễn ra an toàn. Các trò rất ngoan và nề nếp. Các bác phụ huynh thì vui vẻ bởi có tôi là cảnh sát trưởng nên các trò cứ tăm tắp. Chơi, bơi, chạy nhảy vui vẻ. Cả đoàn kết thúc và ra về đúng giờ.
Đoàn chúng tôi về đến trường lúc 16h40’. Các bạn nhỏ ra về gần hết. Chỉ còn lại tôi và bố mẹ một vài bạn cùng chờ ba mẹ Phương Anh đến đón cô bé. Sẽ không có gì khiến tôi lo lắng vì như cảm nhận thì chuyến đi rất tuyệt vời. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế đá, cô bé ấy xin tôi tờ giấy để lau kính vì thấy kính bị mờ. Tôi tá hoả khi nhấc gọng kính của cô bé ra. Hai vết bầm tím chạy dài dọc theo hai bên sống mũi của cô bé. Phía trên trán cục u từ tối qua vẫn còn sưng đỏ. Tôi ko thể hiểu tại sao? Vì sao mà có vết bầm ấy? Rõ ràng là tôi trông cô bé rất kĩ, không có bạn nào trêu chọc, không va đập vào đâu. Lúc buổi trưa khi cô bé trượt ở bậc tam cấp thì chân tay, đầu gối đều không có vết trầy xước gì cả. Và cho đến khi ba mẹ Phương Anh đón, tôi cũng bày tỏ như thế và mong muốn ba mẹ cô bé giúp tôi cho con đi khám. Tối hôm ấy, tôi rất lo lắng vì không hiểu tại sao lại như thế. Cô bé không đau, nhưng thật xót xa vì nhìn gương mặt của cô bé thương lắm. Ba mẹ cho Phương Anh cho con đi khám và rất may mắn là kết quả con không bị chấn thương về xương, nhưng có bầm tím là do va đập.
Ba mẹ cô bé cũng nói là không sao, các con còn bé nên có lúc hậu đậu nên ngã thôi. Thú thật, tôi như trút được lo lắng khi biết không có vấn đề gì ảnh hưởng đến sống mũi của cô bé. Tôi muốn nói với ba mẹ của Phương Anh, tôi mới là người hậu đậu. Giá như, ngay lúc cô bé ngã, ngoài việc kiểm tra chân và tay cô bé xem có vấn đề gì không, thì tôi phải kiểm tra xem cô bé có bị va đập ở đâu nữa không?
Thì ra khi cô bé trượt ngã, cô bé bị đập phần gọng kính xuống bậc. Cái gọng đỡ mắt kính là nhựa đúc rất cứng và dầy nên tuy không làm cô bé đau nhưng khiến để lại hai vết bầm bên sống mũi. Nếu như không có việc lau kính cho Phương Anh mà phát hiện ngay ra vết bầm thì sau đó sự việc sẽ trở nên khó hiểu và phức tạp hơn. Mấy ngày sau đó, vết bầm cũng dần bay hết. Cô bé Phương Anh thì vẫn mang cái kính đó. Cô bé quên ngay chuyện cái kính đã làm cho cô bé bị bầm sống mũi.
Quả thật, tôi cứ nhớ mãi lần ấy. Với trẻ con, không có gì có thể đo lường hết được. Còn với nghề, ắt mình không tránh khỏi những tình huống nghề nghiệp như thế. Nhưng sau lần đó, tôi trở nên thận trọng rất nhiều với con trẻ. Từ cái bút chì, bút mực, hay cái hạt vòng đều có thể dẫn đến những nguy hiểm. Và luôn phải để mắt tới trẻ, nhất là khi lứa học trò của mình lại là học sinh nhỏ nhất trường.
Hè năm ấy, Phương Anh chia tay ông ngoại bạn ấy mãi mãi. Tôi cùng các bác trong ban phụ huynh tới tiễn biệt ông của Phương Anh. Tôi muốn gửi tới ông ngoại của con lời xin lỗi, vì lúc ông gặp biến cố thì tôi chưa làm tròn trách nhiệm để ba mẹ của Phương Anh lo lắng. Tôi cảm thấy rất áy náy vì việc xảy ra với cô bé.
Đó là câu chuyện về cái kính của Phương Anh- năm nay con học 3A2- nhưng cũng là câu chuyện nghề sâu sắc của tôi. Cô bé đã thay cái kính khác. Cái kính mới đã mềm mại hơn, trong trẻo hơn. Cô bé đã tự tin lên rất nhiều. Giờ đây, mỗi lần gặp lại cô bé, cô bé vẫn chạy lại, ôm chầm lấy tôi như cái ngày còn học lớp 1.
Ba mẹ của Phương Anh thì yêu trường, yêu lớp, quý thầy cô giáo lắm. Chắc ba mẹ của con cũng không nhớ về câu chuyện của tôi- cô bé Phương Anh và cái kính. Ba mẹ của cô bé thường gửi cho tôi những bài viết sâu lắng của con, gửi tặng tôi cuốn truyện về Người thầy đầu tiên. Còn tôi thì không bao giờ quên kỉ niệm này với cô bé Phương Anh. Tôi mong Phương Anh sẽ ngày càng trưởng thành, cô bé sẽ tự tin để xoá đi suy nghĩ mình là người hậu đậu. Còn tôi, tôi sẽ gìn giữ tình cảm tốt đẹp mà ba mẹ và cô bé đã dành cho tôi, tôi sẽ cố gắng để là “làn gió mát rượi tưới tắm cho tâm hồn trẻ thơ” như sự tin yêu của ba mẹ và cô bé Phương Anh.
Tôi ghi lại câu chuyện này lần đầu tiên và có lẽ cũng gửi vào đây là sự tin yêu của gia đình các con đối với thầy cô và nhà trường. Hy vọng, trong muôn ngàn những niềm vui về học trò thì câu chuyện này cũng là điều nhắc nhở về sự cẩn trọng cho chính tôi và đồng nghiệp trong sự nghiệp dạy học của mình bây giờ và cả sau này.
Nguyễn Thị Ánh Vân- GVCN 1A2