HÀNH TRÌNH YÊU THƯƠNG
- Tin tức - sự kiện: 10 năm Ngôi Sao Hà Nội
Những ngày này, Hà Nội và cả nước đang cùng hướng về miền Trung ruột thịt. Bão đã qua đi nhưng người dân ở Huế, Quảng Bình, Quảng Trị vẫn sống trong cảnh nước lũ dâng cao, thiếu đồ ăn và vô vàn khó khăn. Đọc tin tức và xem những hình ảnh trên chương trình Thời sự hàng ngày mà thấy nhói lòng, dải đất miền Trung năm nào cũng oằn mình chống bão, thương lắm! Từ khắp cả nước, các đoàn xe chở hành cứu trợ đi xuyên ngày đêm để đến với đồng bào vùng lũ, mong bà con bớt khó khăn và khôi phục lại sau bão. Trường Ngôi Sao Hà Nội của chúng tôi cũng đang quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, điểm đến của chúng tôi sẽ là 5 ngôi trường của xã Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình, nơi thiệt hại nặng nề nhất trong trận bão lịch sử vừa qua. Tôi chợt nhớ đến một câu hát mà mình rất yêu thích: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm chi em biết không, để gió cuốn đi…” Cho đi để còn mãi, chia sẻ để nhận yêu thương… Tôi luôn mong muốn những học trò nhỏ của mình hiểu và cảm nhận được những giá trị sống như thế!
Năm học 2020 – 2021 Ngôi Sao Hà Nội của chúng tôi đã bước sang tuổi thứ 10 – một chặng đường ghi dấu ấn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đại gia đình nhà Sao. Năm 2015, tôi chuyển công tác về trường Ngôi Sao Hà Nội. Năm năm đã trôi qua, năm chuyến đò với các bé học sinh lớp Một ngập tràn yêu thương và hạnh phúc. Bọn trẻ rất hay hỏi tôi: “Cô ơi sao cô không được lên lớp?” Chắc có lẽ là cái duyên đã gắn kết tôi – một cô giáo đã “già” được sống giữa bầy trẻ thơ, ngây thơ và đáng yêu; cho tôi thêm động lực, tình yêu và niềm đam mê, gắn bó với nghề giáo.
Một năm học, một chuyến đò của tôi luôn tràn đầy cảm xúc, bắt đầu với với Câu lạc bộ trải nghiệm cùng các Little Hansers. Năm nào cũng vậy, ngay từ lúc xây dựng nội dung chương trình, chúng tôi cũng háo hức lắm. Tôi ngồi viết từng thẻ tên của học sinh, cùng bạn giáo viên phó chủ nhiệm trang trí lớp học, vẽ bảng và cắm một lọ hoa xinh xinh để trên bàn. Buổi học đầu tiên chúng tôi đến lớp thật sớm, đón các con ở cửa lớp, ngắm nhìn những gương mặt ngây thơ, ánh mắt trong veo, cảm giác tuổi thơ ùa về trong tôi. Có những bé khóc và không chịu vào lớp. Tất cả chúng tôi đều cố gắng dỗ dành các con, cô Trang hiệu trưởng, cô Vân, cô Nhàn, các cô phó chủ nhiệm và rồi cả các thầy giáo… Ấn tượng nhất với tôi đó là hình ảnh các thầy giáo tổ Năng khiếu, các thầy mọi khi “dũng mãnh” là thế, hôm nay thầy nào cũng khéo léo, nhẹ nhàng vận dụng hết khả năng kể chuyện, hát, dỗ dành khiến các con đang khóc dừng khóc rồi lại khóc tiếp. Trong lớp chỉ một bé khóc thôi nhưng như một hiệu ứng đám đông, thêm vài bé khóc rồi đến nửa lớp sụt sịt cùng với một lí do khiến cô giáo không giận nổi: ” Con nhớ mẹ ạ.” ( mẹ con mà biết chắc tan chảy mất !!!)
Hoạt động tiếp theo mà bản thân tôi và các cô giáo rất yêu thích đó là in dấu chân của mỗi Little Hanser bằng màu vẽ. Mỗi lần tôi đưa chiếc lô cuốn lăn vào gang bàn chân, bọn trẻ lại bật cười khanh khách, ríu rít nói: Cô ơi con thấy buồn lắm! Cô ơi con thấy mát lạnh ạ! Cô ơi con thích lắm! – Đúng là trẻ thơ, khóc đó rồi lại cười ngay…
Có rất nhiều người bạn đã hỏi tôi : “Dạy học sinh nhỏ tuổi như vậy thì cần phải làm gì, có bí quyết gì không?” Với trẻ nhỏ, tôi nghĩ cần phải kiên trì và quan trọng là yêu thương các con, làm bạn với trẻ và khiến trẻ tin tưởng mình, khi đó người giáo viên sẽ giúp các con lĩnh hội kiến thức một cách chủ động, sáng tạo, truyền cho trẻ sự ham thích tìm tòi, học hỏi. Tôi thuộc tuýp người yêu thích sự ôn hòa, an yên nên phần nào tính cách đó cũng ảnh hưởng đến quan điểm, phương pháp giáo dục học sinh trong tôi. Các cụ đã có câu “ lạt mềm buộc chặt”, trẻ con cũng vậy, ưa nhẹ nhàng và tình cảm, khi các con hiểu đâu là đúng/ sai, trẻ sẽ tự giác lựa chọn hành vi đúng mà không cần chúng ta phải nhắc nhở nhiều. Ở lớp học của tôi, bên cạnh việc dạy kiến thức, kĩ năng, điều mà tôi luôn quan tâm và coi trọng hàng đầu là chia sẻ với các con những câu chuyện về tình người, về những người tốt, về những điều tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống. Tôi không nhớ mình đã trò chuyện với các con bao lâu và bao nhiêu lần như thế, nhưng tôi thấy các con đồng cảm, các con bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình dù tuổi còn rất nhỏ. Dần dần các giờ học của chúng tôi luôn có những giây phút chia sẻ ý nghĩa như thế, những câu chuyện về người thân, về món đồ chơi con yêu thích hay những ước mơ đáng yêu của những cô bé cậu bé 6 tuổi, tất cả khiến cô trò chúng tôi ngày càng thân thiết với nhau hơn. Những thay đổi tích cực trong suy nghĩ của trẻ sẽ mang đến sự thay đổi trong hành động và tính cách của trẻ. Nếu bạn là một giáo viên giàu năng lượng, đầy nhiệt huyết thì học sinh của bạn cũng sẽ tràn đầy năng lượng tích cực vì các con chịu ảnh hưởng rất lớn từ người thầy của mình. Mỗi ngày đến lớp tôi luôn thấy hạnh phúc bởi tiếng cười và tình yêu của bọn trẻ dành cho mình. Tôi nói với các con: “ Cô chỉ dạy các con năm học lớp Một này thôi. Vì vậy cô trò mình hãy cùng nhau cố gắng để mọi người luôn nhớ đến Team 1A4 nhé !” Chắc các con thương tôi nên rất cố gắng, bọn trẻ khiến tôi hãnh diện vì các thầy cô hay khen học sinh lớp 1A4 ngoan, hiền và thành tích trong các phong trào, cuộc thi của nhà trường cũng không xoàng lắm. Những bài học qua đi, các con dần lớn khôn và biết yêu thương nhau nhiều hơn…
Trường của chúng tôi bên cạnh việc học hành thì các sự kiện, các cuộc thi rất nhiều, tôi luôn chủ động lên kế hoạch cho mỗi hoạt động đó. Năm nào cũng vậy, cứ đến Hội khoẻ Phù Đổng cấp trường là tôi lại “bận rộn” với vai trò huấn luyện viên. Để hướng dẫn đội tuyển thi kéo co, tôi đã tìm trên Gogle các bài viết, các video về kĩ thuật kéo co. Tôi cho bọn trẻ xem video các trận thi đấu kéo co và giảng giải, hướng dẫn các con về kĩ thuật thi đấu(dù từ trước đến nay, tôi mới chỉ tham gia kéo co được 1,2 lần mà lần nào đội của tôi cũng thua). Bọn trẻ cứ ồ à khi nghe tôi nói ( một cách ghi điểm dễ dàng với các con mà không tốn sức mấy). Và rồi đến giờ thi đấu, tôi – với vai trò là huấn luyện viên – nhảy choi choi hò hét chỉ đạo bọn trẻ, và chúng tôi đã giành khá nhiều chiến thắng trong các trận thi đấu( mà xem lại video trận thi đấu của các con tôi không nhận ra vẻ dịu dàng, nhẹ nhàng vốn có của mình nữa, còn bố mẹ các con chắc được cười đau bụng vì cô giáo hăng hơn cả học trò). Sau mỗi lần chỉ đạo hăng như vậy , tôi thường ra về với giọng nói khản đặc khiến lũ trẻ không hiểu sao cô giáo lại có giọng nói lạ lùng như vậy dù cách đó 30 phút, giọng cô vẫn trong veo. Năm nào tôi cũng tự dặn mình phải tiết chế cảm xúc, hò hét ít thôi nhưng chưa bao giờ tôi thực hiện được. Làm huấn luyện viên quả là gian nan với tôi!!!
Bên cạnh những học trò nhỏ, tôi luôn nhận được sự cổ vũ, khích lệ từ cha mẹ các con. Dự án “ Một ngày bên con” của tôi đã được các anh chị phụ huynh ủng hộ nhiệt tình. Mỗi sự kiện của lớp tôi luôn có sự hiện diện của cha mẹ các con, khiến bọn trẻ vui và tự hào lắm. Sau mỗi sự kiện, phụ huynh và cô giáo thì mệt nhoài, còn bọn trẻ thì toát mồ hôi vì được chơi đùa thoả thích, nhưng quý nhất là sự gắn kết, hiểu và đồng cảm với nhau. Sau mỗi buổi liên hoan như vậy, tôi hay nhận được tin nhắn động viên, cảm ơn từ cha mẹ các con bởi sau một buổi đến thăm lớp, phụ huynh càng hiểu hơn sự vất vả của các cô khi hàng ngày dạy dỗ và chăm sóc các con. Và tôi cũng luôn hiểu ràng, cha mẹ các con luôn mong muốn các con đến trường thật vui vẻ, thật hạnh phúc, được sống trong tình yêu thương của các thầy cô giáo, điều đó có lẽ quan trọng hơn điểm số và những huy chương…
Năm học này là chuyến đò thứ 6 của tôi tại Ngôi Sao Hà Nội, một năm học với nhiều biến động vì dịch Covid, năm học đầu tiên thực hiện thay sách giáo khoa lớp Một. Những ngày này, được đến trường dạy các con thật quý giá và hạnh phúc vô cùng, tôi mong và chỉ mong được như thế!
Mỗi chuyến đò qua đi, người lái đò như tôi sẽ nhớ lắm những học trò nhỏ đáng yêu, luôn nhớ những tình cảm mến thương mà các con đã dành cho tôi. Mong rằng những điều giản dị mà “cô giáo già” đã dạy các con những ngày đầu tiên vào lớp Một sẽ theo các con mãi. Bởi đủ yêu thương – hạnh phúc sẽ đong đầy…
Cô giáo Trần Thị Thanh Loan – GVCN 1A4