CUỘC THI GIÁO VIÊN SÁNG TẠO – TÀI NĂNG: NƠI HỘI TỤ TRÍ TUỆ VÀ NĂNG LỰC SÁNG TẠO CỦA CÁC THẦY CÔ Ở NGÔI SAO HÀ NỘI
- Tin tức - sự kiện: Chương trình Hoạt động toàn trường Thực Đơn Tuần 3
Năm học 2022-2023, chứng kiến những biến động khó lường của thực tế, sự thay đổi toàn diện của phương thức dạy và học trong điều kiện mới. Nhận thức được tầm quan trọng của sự chủ động đổi mới và sáng tạo trong phương pháp dạy học cũng như tiếp nối thành công của cuộc thi “giáo viên sáng tạo” trong những năm học trước, trường liên cấp TH&THCS Ngôi Sao Hà Nội tiếp tục triển khai cuộc thi “Giáo viên Sáng tạo – Tài năng” năm 2022. Cuộc thi được phát động từ những tuần đầu tiên và diễn ra xuyên suốt cả năm học với rất nhiều dự án dạy học đã được các thầy cô lên ý tưởng và triển khai thực hiện.
Không giống như các cuộc thi giáo viên dạy giỏi thường tổ chức, “Giáo viên Sáng tạo – Tài năng” là cuộc thi khích lệ cá nhân thể hiện sự tìm tòi đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm riêng của mình với những người đồng nghiệp. Đó là một cách để nhà trường khích lệ mỗi giáo viên, tổ chuyên môn nâng cao chất lượng của từng bài học, trong từng tiết học. Cùng với mục đích đó, cuộc thi cũng tuyển chọn, công nhận và vinh danh sự đầu tư, tâm huyết, cống hiến của đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực dạy học, khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện CNTT, đồ dùng dạy học. Từ đó thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các hình thức dạy học mới, sáng tạo trong chương trình giáo dục.
Tại đây, có thầy cô triển khai dự án của mình trong thời gian 1 tháng, có thầy cô thực hiện với một chương kiến thức sách giáo khoa, hoặc một mảng kỹ năng mà học sinh cần được bổ túc để có năng lực vượt trội. Với tất cả dự án tham gia cuộc thi, các yếu tố dạy học theo phương pháp truyền thống sẽ được gác lại, thay vào đó là những cách làm mới bài học, cách giảng mới, cách thức khác trong bài học được thực hiện.
Điển hình như khi dạy tác phẩm “ăn khế trả vàng” – truyện cổ tích thần kỳ quen thuộc, những hình thức tiếp cận đa dạng với tác phẩm đã được cô Lê Thị Thu Hiền sử dụng một cách linh hoạt và đầy sức hấp dẫn. Qua cách dạy học của cô, tác phẩm trở nên sinh động, hồn nhiên đúng như tâm lý tiếp nhận của các học trò khối 6 – lớp đầu cấp THCS. Người dự và các học trò bị cuốn hút từ việc nhập vai nhân vật để đọc phân vai, diễn cho đúng những cung bậc tâm lý và các nét tính cách của nhân vật, cho đến việc xem phim được dựng từ tác phẩm, việc các học trò sáng tạo tiếp câu chuyện không còn theo logic đời thường.️
Ở một giờ học khác, khi học một trích đoạn của “Bình Ngô đại cáo”, các học trò khối 8 lần đầu được học về các nét viết, về hình thể, âm đọc và ý nghĩa của các từ ngữ chỉ các phạm trù đạo đức quan trọng trong văn hóa phương Đông. Các bạn háo hức vì lần đầu tiên được hiểu cách biểu ý của những chữ “nhân”, chữ “nghĩa”, phân biệt “văn hoá” và “văn hiến”. Từ đó, mỗi học trò đều thấu hiểu dòng mạch của tư tưởng nhân nghĩa đã tiếp nối như thế nào từ khổng tử vào Việt nam và được Nguyễn Trãi cách tân như thế nào trong bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc. Cũng như vậy, các bạn đều thấu cảm được với nỗi niềm của Ức Trai khi dùng từ “văn hiến” chứ không dùng “văn hoá” khi ông tự hào về đất nước Đại Việt.️
Ngôi Sao Hà Nội hy vọng đã đóng góp thêm những điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới, nhằm chia sẻ, phổ biến tri thức tới cộng đồng giáo viên hiệu quả và chất lượng. Đồng thời, cuộc thi còn là cơ hội để nhà trường gắn kết đội ngũ và gia tăng tài khoản tình cảm của giáo viên. Hơn hết, với Ngôi Sao Hà Nội, học sinh chính là những điều mà thầy cô giáo muốn hướng đến trong những dự án của mình, Qua từng dự án thầy cô luôn mong muốn học sinh nhận được nhiều bài học. Dạy học dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại, bắt nhịp với sự phát triển nhanh chóng của nền giáo dục trên thế giới là những gì mà Ngôi Sao Hà Nội đã luôn kiên trì theo đuổi trong nhiều năm qua.