HÀNH TRÌNH ĐỊNH VỊ MỘT NGÔI TRƯỜNG
- Tin tức - sự kiện: 10 năm Ngôi Sao Hà Nội
Thật tình cờ 10 năm trước, lang thang trên mạng để tìm cách đưa Violympic sâu xuống các trường tiểu học, tôi dừng lại ở cái tên: Ngôi Sao Hà Nội.
Thuở đó, khi nhắc đến các trường dân lập của Thủ đô, ai cũng sẽ nhắc ngay tên các trường có bề dày như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Siêu,… thì cái tên Ngôi Sao Hà Nội còn rất đỗi xa lạ và mới mẻ. Không hiểu sao, tôi vẫn tìm đến. Tháng 10, đã vào quá nửa mùa thu và nắng vẫn trải vàng sân trường.
Sân trường ngổn ngang gạch vữa, không khó để nhận ra trường còn đang trong quá trình xây dựng, văn phòng sơ sài nằm ngay sau sân khấu, tiếng giảng bài vọng ra từ hành lang tầng 1. Đi qua 4 lớp học, thoáng cũng thấy ngay còn rất nhiều ghế trống. Tôi gặp chị chủ trường, say sưa, hào hứng về ước mơ không xa nơi đây sẽ trở thành một ngôi trường nổi tiếng, học sinh sẽ là những “ngôi sao” của thủ đô. Tất cả bắt đầu từ vẻn vẹn 97 học sinh của lứa khỉ vàng. Sau nhiều lần trò chuyện, sau nhiều lần trăn trở, tôi đi đến một quyết định quan trọng, chia tay FPT, chính thức gia nhập “tiểu gia đình” Ngôi Sao Hà Nội.
Học sinh thì rõ rồi, năm đầu thành lập, có bao nhiêu học sinh xin học nhận bấy nhiêu. Giáo viên còn khó hơn, 5 cô thì có đến 4 cô từ trường công lập ở quê mới chuyển lên; 1 cô từ trường dân lập khác rẽ ngang, nhưng mỗi người một phách. Vậy phải làm gì? Đào tạo thôi. Lần lượt qua tay “sư phụ” ở các trường tên tuổi, thứ Bảy nào cũng có mặt, nhiều đến nỗi cứ thứ Sáu là gặp nhau cười như mếu, rồi cũng được nâng tầm. Khi số học sinh tăng gấp đôi rồi gấp ba,.. cần đào tạo ra nhiều học sinh giỏi. Muốn vậy giáo viên phải nâng tầm hơn nữa. Một loạt giáo viên giỏi mang sứ mệnh sẽ trở thành key đã được gửi đi đào tạo ở 1 trung tâm học thuật lớn khi đó.
Học sinh cần được cọ xát qua các kì thi. Vậy phải làm gì? Khuyến khích các con thi chứ sao. Khuyến khích bằng cách nào? Đăng cai, giúp BTC cấp quốc gia phát động kì thi Violympic tại trường, có năm trời đẹp, lại có năm mưa tầm tã, đội ô phát biểu, vẫn hừng hực khí thế. Học sinh đăng kí thi, danh sách dài cả vài trang. Ngày báo kết quả, các cô đếm mãi chưa hết học sinh đạt giải. Nghe nói Ngôi Sao Hà Nội đứng đầu về số lượng học sinh đạt giải các cấp kì thi Violympic và các kì thi trong nước.
Thi trong nước xuất sắc rồi, Việt Nam hội nhập lâu rồi, vậy phải ra quốc tế. Lại cuộc trường chinh, tìm kiếm các kì thi, thôi thúc cha mẹ và các con vươn ra biển lớn. Lại đăng kí, lại tìm thầy giỏi, ôn luyện miệt mài. Ngày đón ở sân bay, cờ hoa và logo Ngôi Sao Hà Nội, nổi bần bật, đứng một góc ngắm nhìn thành quả của các con, còn nghe tiếng ai đó bảo trầm trồ: học sinh Ngôi Sao Hà Nội lần này dẫn đầu các trường về số huy chương vàng, bạc.
Hội nhập quốc tế, nước ngoài áp dụng công nghệ lâu rồi, trường trẻ muốn vượt lên cần 4.0; lại ấp ủ, lại bắt tay, rồi tìm người viết code. Hăm hở lên ma trận, hướng dẫn các thầy cô soạn, rồi nhập đề, thử nghiệm, tập huấn, và một ngày hệ thống chạy trơn tru. Học sinh ôn luyện mà không cần vở, 30 phút ngồi trên máy, máy trả kết quả, học sinh háo hức với bài đúng, bài sai. Thầy cô cung bớt việc chấm bài. Nghe nói, cha mẹ học sinh đi khoe với đồng nghiệp rằng trường Ngôi Sao Hà Nội là trường đầu tiên xây dựng được hệ thống thi nội bộ trực tuyến với nhiều bài thi hấp dẫn.
Học thôi sao đủ, muốn thành công cần phải có kĩ năng. Lại kiếm tìm, lại trăn trở. Và một cuộc chuyển mình. “The leader in me” bắt đầu từ đó. Ban giám hiệu, thầy cô, học trò gặp nhau là nhắc nhau cùng hiểu rồi được hiểu, tư duy cùng thắng “think win win”, … Tinh thần lãnh đạo bản thân nhuốm đậm toàn trường. Đến mức đơn vị mang bản quyền chương trình từ Mỹ về triển khai tại Việt Nam nói rằng Ngôi Sao Hà Nội dẫn đầu các trường về việc áp dụng 7 thói quen hiệu quả.
Có kĩ năng rồi, phải tạo cho các con môi trường để bộc lộ kĩ năng. Và một chuỗi các sự kiện nối dài. Học sinh từ nhút nhát đến tự tin, con nào cũng sẵn sàng được tạo cơ hội toả sáng. Dàn hợp xướng Noel hàng vài trăm ca sĩ nhí, thầy cô tỉ mỉ tự tay cắt giấy làm cây thông để trò có đủ “đạo cụ”. Trong ánh đèn lung đêm Noel, đứng ngắm học sinh biểu diễn thầy cô xúc động trào nước mắt phần vì học sinh xuất sắc, phần vì cái nấc nức nở của một mẹ đứng sau “Con em bị tật, ở trường cũ con em luôn bị bỏ qua một bên, sang đây con hân hoan đứng trên sân khấu. Em không kiềm chế được vì lần đâu tiên con em được trân trọng, được tôn vinh”.
Biết yêu thương, điều đó cần lan toả. Festival của những tấm lòng nhân ái ra đời. Bao gom góp thành món quà ý nghĩa tri ân với cuộc đời. Những cây cầu, những món quà gửi đến biên cương, đến những người mẹ Việt Nam anh hùng. Thiện nguyện đã trở thành thông lệ đầu xuân, khiến cả học trò, cha mẹ lẫn thầy cô đều háo hức đón chờ, mong được dành chút gì góp tặng, tất cả đều thấm nhuần “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Nghe nói Ngôi Sao Hà Nội là một trong các trường tâm huyết nhất trong giúp đỡ, đồng cảm với các số phận khó, nghèo.
Tất cả là những kí ức hiện hữu mồn một trong quá khứ và hiện tại.
Tôi xa Ngôi Sao Hà Nội cũng đã vài năm, song vẫn vẹn nguyên một góc tâm hồn dành cho nơi ấy. Cứ mỗi độ thu về, nắng rải vàng góc phố, con đường, ngôi trường lại dày thêm một tuổi. Nơi ấy có một người phụ nữ không còn trẻ, ngày đêm đau đáu, quyết liệt dẫn dắt con tàu ngày một lớn mạnh, đi xa, vững chãi. Một hành trình gian nan, thăng trầm, toả sáng, tự hào – Hành trình định vị một ngôi trường!