HÃY TRÂN TRỌNG NHỮNG GÌ ĐANG CÓ VÀ TIẾP TỤC ƯỚC MƠ!
- Tin tức - sự kiện: Gương mặt hansers Hansers Nhịp sống Tiểu học Tin tức sự kiện
“Con chào cô! Con chào cô! Hẹn gặp lại cô sớm!…”. Khi học sinh cuối cùng rời đi, lớp học online giờ chỉ còn mình tôi với dòng chữ “Waiting for others to join…”. Một cảm giác buồn trống trải đến lạ. Nó len lỏi vào trái tim và khiến tôi không muốn nghĩ ngợi thêm điều gì. Tôi “Leave” khỏi Meeting với âm thanh quen thuộc. Đó là những gì tôi và những đồng nghiệp của tôi đã trải qua trong tiết học online ngày 14/5 vừa qua. Đó là đợt học online cuối cùng trong năm học này.
Tôi không biết phải dùng hình ảnh so sánh chính xác nào cho năm học đặc biệt 2020-2021. Tôi chỉ nghĩ về một bức tranh với sự pha trộn sắc màu và ánh sáng thay đổi liên tục. Phải rồi, năm học này gắn liền với những biến động và THÍCH NGHI. Một năm học có đến 3 đợt học online để rồi sau tất cả, cái bất bình thường đã trở thành điều bình thường trong giai đoạn hiện nay.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên dạy học online qua Zoom, ai cũng lo lắng đến quên ăn. Chị em đồng nghiệp đến tối muộn vẫn ngồi gửi link cho nhau để cùng vào cuộc họp, thử cho hết các tính năng. Có người máy tính hỏng lại lo ngay ngáy đem đi sửa cho kịp. Còn tôi còn sắm thêm webcam vì chưa kịp tân trang lại chiếc máy tính cối đá sắm từ ngày sinh viên. Thế rồi, nhà Trường đồng bộ hóa dạy học trên Teams. Chúng tôi lại tham gia tập huấn, lại mầy mò, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Những ngày tháng ấy, chẳng thể quên.
Nhưng dù có thành thạo việc sử dụng công nghệ để dạy học thế nào, chúng tôi cũng không hình dung sẽ tiếp tục dạy nhiều đợt online đến vậy. Nó giống như cảm giác lần đầu bạn uống thuốc đắng, rất khó để uống. Đến lần thứ 2, bạn thấy dễ dàng hơn đôi chút và đến những lần tiếp theo bạn sẵn sàng, chẳng còn chút than phiền. Nhưng, điều quan trọng, ai cũng hiểu rằng liều thuốc đó thực sự cần thiết, để bảo vệ sức khỏe mỗi người.
Cứ nhắc đến những đợt học online là cả “bầu trời kỉ niệm” lại hiện về trong chúng tôi. Nhớ nhất là những khuôn mặt học trò hiện lên trên màn hình. Chúng hồn nhiên và tinh nghịch dù bất kì ở đâu. Lũ trẻ lắm trò đến lạ. Có khi cả lớp biến thành “attendee” rồi bị tắt tiếng hàng loạt.
Khi thì cô chia sẻ màn hình mà chúng viết đủ những thứ không liên quan. Nghe chúng tranh luận cãi cọ về một vấn đề học tập cũng “nảy lửa” chẳng kém gì trên lớp học bình thường. Rồi đủ thứ quy tắc lập ra nhưng chúng vẫn hồn nhiên “Thưa cô con buồn đi … vệ sinh.”.
Có những lúc chấm bài qua “chat” đến mỏi tay. Hễ cô mở bài ra mà quên không “comment” thì các trò gửi tâm thư liền. Lúc là khuôn mặt buồn, lúc lại gửi một câu hỏi mà dấu câu dài bất tận. Thấy chúng vậy, cô lại càng có động lực để làm cho tốt công việc của mình. Thật may mắn, trong công việc, tôi đã có những người đồng nghiệp không bao giờ ngại khó, ngại khổ, luôn nghĩ cho học sinh thân yêu. Chúng tôi đã cũng nhau “đi về phía mặt trời”.
Nhớ đợt học online tháng 8, các chị em thường xuyên ngồi họp qua Teams. Họp quên giờ ăn trưa, quên giờ ăn tối. Qua màn hình bé xíu, các cô giáo ngày thường vẫn chỉn chu khi lên lớp giờ trở về đúng nghĩa là người phụ nữ rất mực đời thường. Tóc búi vội, trang phục không là lượt, nụ cười cùng vì thế, tự nhiên hơn. Có người vừa ôm con thơ vừa trình bày ý kiến. Tiếng khóc con trẻ hòa lẫn cùng với ý kiến đưa ra.
Những hình ảnh đầy nhiệt huyết của tập thể giáo viên Ngôi Sao Hà Nội trong đợt dịch vừa qua
“Người chị lớn” của chúng tôi cười thông cảm, động viên: “Thôi, trong giai đoạn khó khăn, hãy nghĩ cùng Nhà Trường. Cha mẹ gặp khó khăn, con cái hãy kề vai sát cánh. Mình hãy làm tốt nhiệm vụ của mình. Vì Nhà Trường, vì học sinh và vì cả chúng mình nữa.” Những lời đó thấm thía tận gan ruột chúng tôi.
Thế rồi đợt học online thứ 2 đến, cũng không báo trước điều gì. Nhưng chúng tôi vẫn rất vững tin. Tin rằng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lui. Đến đợt học online thứ 3, cả thầy và trò dốc toàn lực cho ôn thi cuối năm. Chúng tôi trăn trở nghĩ về từng bài giảng, soạn từng phiếu học tập. Nghĩ một cách lạc quan, học online đã giúp cô trò tôi luyện thêm bản lĩnh, biến khó khăn thành hành động. Những bài giảng đầy tính tương tác để học trò nào cũng được tham gia, trình bày và thi đua. Này game Quizizz, Ai là triệu phú?, Vòng quay may mắn, Mảnh ghép bí mật,… Tiết học nào cũng lấp lánh trò chơi. Rồi việc tìm kiếm thông tin mở rộng đúng là “Nhanh như chớp” được các em thực hiện trong vòng nốt nhạc.
Các dự án từ đó cũng ra đời với những ý tưởng tuyệt vời kì lạ. Việc ôn thi cũng chẳng còn tốn giấy mực với việc up phiếu trên Vio. Hào hứng là thế, tinh thần học tập của các em từ tháng 8 đến giờ chưa phút hạ nhiệt. Những đứa trẻ lên 10 đã ý thức được năm cuối cấp thật cam go. Chúng không cho phép mình lơ là một phút. Chúng học bằng cả trái tim. Thương! Thế mới hiểu sâu sắc “Lửa thử vàng, gian nan thử sức.” Mai kia học trò của chúng tôi, tin chắc rằng, sẽ vững bước vào đời.
Còn những thầy cô chúng tôi, sau tất cả vẫn chất chứa bao nỗi niềm tâm sự. Chẳng dám nói ra nhưng ai cũng thoáng buồn vì thương lũ trẻ năm nay vất vả quá. Thương chúng chưa biết đến bao giờ mới có được Lễ ra trường mà chúng hằng mong ước? Đến khi nào lớp học, sân trường mới rộn rã tiếng học sinh? Chúng tôi cũng động viên nhau hãy cùng cố gắng.
Trong khi cả thế giới đang gồng mình chiến đấu với dịch bệnh, hãy cảm thấy thật may mắn vì mình vẫn khỏe mạnh, có công việc để làm và có thật nhiều học trò để yêu thương. Nghĩ như vậy, chúng tôi lại mỉm cười hạnh phúc, dốc hết sức mình cho từng trang giáo án.
Cho đến khi viết những dòng này, học sinh của chúng tôi vẫn chưa thể trở lại trường để thi cuối năm và đón chờ lễ Trưởng thành ý nghĩa. Nhưng chúng tôi vẫn đang giữ kết nối với học sinh để hoàn thành những dự án còn dang dở. Ngắm nhìn những tác phẩm thơ văn của các em được thiết kế đẹp đẽ, ngắm những bữa ăn do các em tự tay chuẩn bị cho gia đình, xem những video các em thực hiện thử thách tập luyện thể dục thể thao,… tất cả khiến chúng tôi tràn ngập niềm vui sướng. Các em đã trưởng thành thật rồi!
Xin mượn một câu danh ngôn để khép lại bài viết này: “Đừng đếm những gì bạn đã mất, hãy quý trọng những gì bạn đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho mất mát.” (Khuyết danh). Tôi đã và đang cảm thấy biết ơn cuộc đời vì được sống với nghề dù ở bất kì hoàn cảnh ngặt nghèo nào. Chúng tôi trân trọng những gì đang có và tiếp tục mơ ước, hành động để ngày mai tốt đẹp hơn.
Nguyễn Thị Lương-20/5/2021