“NGƯỜI BẠN XANH” CỦA MỖI HANSER
- Tin tức - sự kiện: 10 năm Ngôi Sao Hà Nội
Đã bốn năm tôi đến với mái trường này, nơi chúng tôi vẫn thường gọi là “nhà”. Nơi ấy có đồng nghiệp thân thiết như anh chị em, có học trò thân thương như con cái trong gia đình. Mỗi góc sân, mỗi khoảng trời, hành lang, lớp học dường như đã trở thành một phần trong quãng đường tôi đi qua. Và hơn hết đó là một “người bạn xanh” của mỗi Hanser khi bắt đầu chạm mặt bước vào trường – hai cây lộc vừng bốn mùa đẹp đến nao lòng.
Trên sân trường Ngôi Sao có biết bao cây lá, từ những cây cổ thụ như cây đa, cây đề đến những cây ăn quả như bưởi, như chanh. Thêm vào đó là vô vàn cây hoa, mùa nào thức ấy: khóm hồng cổ trước cửa lối văn phòng, cây hoa giấy ngũ sắc đầu cổng trường, giàn hoa zun bám sát bờ tường, vài cây phượng vĩ ở góc sân bóng, rồi cả mấy cây hoa sứ hoa đại ở trước cửa nhà sàn, hoa xa-la phía bờ rào sân bóng rổ… Ngắm mãi cây lá theo từng mùa mà nhiều khi không biết chán. Thế rồi, tôi chợt nhận ra trong đám cây lá ấy có hai cái cây “kì lạ”, nó vừa giống cây cổ thụ, vừa giống cây bóng mát, lại giống cả cây hoa: cây lộc vừng. Nói vậy là bởi vì nhìn nó um tùm, khó đoán biết được tuổi. Mùa lá xanh nó che rợp một khoảng giữa của sân trường. Đến độ thì con gái thì cũng lúc lỉu thoa son đánh phấn, điểm trang thêm những sợi hoa tùng teng đo đỏ. Vậy có kì lạ không cơ chứ!!!
Trong cái xốn xang của mùa thu khai trường, năm nào cô trò chúng tôi cũng được cây che bóng. Lũ học trò túm năm tụm ba nằm khoèo dưới gốc cây đọc sách. Đồng nghiệp trong trường gặp nhau cũng tạm dừng chân, trú bóng mà hàn huyên dăm ba câu chuyện. Thú vị nhất là lúc chiều về, gốc cây là bến đỗ để cha mẹ chờ con, ông bà đón cháu. Cây như thu vào mình nó từng lời dặn dò, thủ thỉ: “Hết giờ đợi mẹ ở gốc cây lộc vừng nhé!”, “ông đang chờ con ở dưới sân, xuống ngay chỗ cây lộc vừng đi!” Đã không ít lần, trong cơn mưa thu bất chợt, cây đứng thẳng mình xoè tán che chắn cho bao người.
Rồi mùa cũng chóng vánh qua nhanh, cái đẹp xanh mát đó cũng chỉ hiện hữu trong vài tuần. Đột nhiên, cây như cô nàng đỏng đảnh muốn ngay tức khắc biến hình. Sớm mai kia lúc đến trường, tôi đã không còn nhìn thấy tấm áo xanh kia nữa, thay vào đó là một chiếc áo vàng, chưa kịp xơ xác đã trút rụng đầy sân trường. Nhanh đến độ, chỉ một tuần thôi đã thấy cây như cành củi, trơ trụi và gầy guộc, đen đúa thật đáng thương.
Đông đến trong cái lạnh của gió mùa, ai đi ngang qua sân trường cũng đều sải bước dài hơn, mong nhanh tìm được chỗ ấm nơi lớp học. Vì thế chắc chẳng có ai thèm ngoái nhìn, để ý xem cây có biết lạnh??? Bọn trẻ thì đã trốn trong thư viện cuối giờ tránh gió hoặc ngồi trong lớp học chờ người đến đón.
Sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán, sân trường lại nhộn nhịp tiếng cười đùa. Áo dài xúng xính, nhạc hội rộn vang. Cái lạnh dần tan biến. Lúc này mới lại thấy mấy “bàn tay” nho nhỏ xinh xinh lất phất trên cây, non nớt và mỏng mảnh. Nhưng rồi rất nhanh thôi, lại vùn vụt vươn lên xanh tốt. Gió xuân hây hẩy, nắng xuân dịu dàng, mùa cây đẹp nhất đến rồi. Đẹp vì tiết trời, đẹp trong lòng người. Đẹp hơn nữa là đến độ cây đơm hoa. Chỉ qua vài tháng, cây đã lòng thòng vài sợi dây như tơ hồng, buông toả xuống như treo đèn nhấp nháy. Thấp thoáng trong tán cây, một màu đo đỏ lúc ẩn lúc hiện. Đứng dưới gốc, bất chợt có làn gió thoảng qua là thấy ngay một rừng mưa bông đỏ, xoay xoay như chong chóng, nhẹ nhàng hạ đất, dệt thành tấm thảm, đỏ tròn quanh gốc cây. Đẹp, lãng mạn, cháy bỏng đến độ ai đi qua cũng phải rút máy ảnh, điện thoại, lưu lại cho mình vài tấm làm kỉ niệm. Còn với đám học sinh lớp 4 của tôi, chúng quây quanh cây để quan sát, để ngắm nhìn, để ghi chép cho bài văn tả cây trên sân trường.
Mỗi khoảnh khắc một vẻ đẹp, một nỗi nhớ, niềm thương. Có lẽ vậy mà Ngôi Sao Hà Nội trong mỗi Hanser sẽ luôn có một phần cây lá, một phần là “người bạn xanh” – cây lộc vừng, để rồi đi đâu về đâu, lòng vẫn thấy nhớ và mong được tìm về, được gặp lại hoặc không muốn phải chia xa…
Cô Đỗ Thị Chính – GVCN 4A0 – Khối trưởng khối 4